Những người dân xã miền núi Thanh Nho (huyện
Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, cây rễ hương có thể cho hiệu quả kinh tế gấp
10 lần trồng keo.
Tuy nhiên, muốn cây rễ hương phát huy được
giá trị, điều quan trọng là hiểu kỹ thuật trồng, chăm bón và phải tuân thủ trồng
luân canh với một số loại cây trồng khác.
Năm 2003, những mái đồi rậm rạp cây dại, đất
sỏi nhựa, đất thịt, độ dốc lớn được người dân xã Thanh Nho mạnh dạn chuyển đổi
sang trồng cây rễ hương. Nhờ rễ hương, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên
làm giàu trên những mảnh đồi mà chỉ trước đó ít năm không ai nhìn ngó tới. Giờ
thì những khoảnh đất nhỏ hoang hóa bên đường, trên những triền đồi đều bát ngát
màu xanh rễ hương.
Theo người dân, trồng rễ hương không khó, đầu
tư ít, hiệu quả kinh tế cao. Rễ hương có thể trồng bằng hom cây giống lứa trước
để lại, cũng có thể trồng bằng hạt. Theo tính toán, mỗi ha rễ hương cần đầu tư
khoảng 3 tấn cây giống, 1 tạ phân lân, 2 tạ ure… Trồng bằng hạt tốn ít công và
chi phí hơn, chủ yếu do quả của mùa trước rụng xuống, người trồng chỉ cần tỉa dặm
thành hàng, luống, bổ sung phân đạm…
Tổng chi phí đầu tư ban đầu chưa đến 25 triệu
đồng/ha. Trồng trên đất sỏi nhựa cây rễ hương ít công chăm sóc, sau 1 năm có thể
cho 22 tấn rễ tươi/ha. Với giá bán bình quân là 6 nghìn đồng/kg rễ tươi, năm đầu
tiên, nông dân có thể thu về 132 triệu đồng/ha, trừ mọi chi phí lãi ròng trên
80 triệu đồng.
Kể từ mùa vụ thứ 2, người trồng rễ hương có
thể tận dụng quả rụng làm giống vì vậy, hiệu quả kinh tế còn cao hơn năm đầu.
Thông thường, chu kỳ sinh trưởng của cây rễ hương từ lúc trồng (khoảng tháng 8)
đến lúc thu hoạch là 9 – 10 tháng. Nhưng người dân thường để khoảng 1 năm mới
thu hoạch. Lúc này, dù cây rễ hương ra hoa, tạo quả nhưng chất lượng rễ vẫn đảm
bảo.
Hạt sẽ rụng xuống mọc thành cây con, sau
khi thu hoạch xong, người trồng chỉ cần tỉa dặm thành hàng, bổ sung một ít
phân, lân, đạm, vùn gốc là 1 năm sau sẽ có thu hoạch. Như vậy, chi phí cây giống
sau năm thứ nhất không phải mất (khoảng 10 – 15 triệu đồng/ha). Vì thế, lãi
ròng gần 100 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Hoàng Đình Hợp, loại cây trồng phù
hợp nhất để cải tạo đất trồng rễ hương là cây keo: “Mỗi lứa keo chu kỳ 6 – 7
năm sẽ tạo ra một lớp thực bì dày, cải tạo giúp đất tơi xốp. Vì vậy, sau 3 năm
liên tiếp trồng rễ hương, tôi sẽ trồng 1 lứa keo. Ở đây, hầu hết các hộ trồng rễ
hương đều thực hiện theo công thức này và đều cho hiệu quả kinh tế cao. Thực tế,
nếu chỉ trồng keo, tiền có thể thu được 1 lần nhưng tính ra hiệu quả thấp, làm
sao nông dân có thể làm giàu được? Cây rễ hương mới là cây làm giàu nhưng phải
luân canh để cải tạo đất”.
Thông thường, rễ hương được thu hoạch vào dịp
nắng nóng. Để giảm công vận chuyển, nông dân thường phơi khô ngay trên những ngọn
đồi cao. Tính ra, bán khô hay bán tươi đều cho nguồn thu như nhau. Thời điểm đắt
hàng, mỗi kg rễ tươi có thể lên đến 15.000 đồng, rễ khô là 28.000 đồng/kg…
huong-bai-quy-sinh-1
Trước đây, toàn bộ diện tích vườn đồi của
gia đình, ông Hoàng Đình Hợp, trú tại xóm 7, xã Thanh Nho đều trồng keo nguyên
liệu.
Tuy nhiên, thấy được hiệu quả của cây rễ
hương, những năm gần đây ông đã chuyển sang trồng loại cây này. Nhờ trồng 2 ha
rễ hương, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm được xe tải vận
chuyển rễ hương đi nhập cho các đại lý lớn. Thời gian rảnh rỗi, con trai ông
còn thu mua chè cành từ Thanh Chương chở vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình bán kiếm lời.
Ông Hợp nhẩm tính: “Mỗi ha keo trồng với mật
độ vừa phải là 1.500 cây. Chi phí thuê trồng, phân bón, bảo hành trong vòng 1
tháng sẽ hết 1.500 x 3.000 đồng/cây, vị chi hết 4,5 triệu đồng. Chi phí phát sẻ,
chăm sóc, chặt bán, vận chuyển không dưới 20 triệu đồng.
Như vậy đã “ngốn” hết gần 30 triệu đồng.
Nhanh lắm thì sau 6 năm mới thu hoạch, sản lượng khoảng 80 tấn, tổng nguồn thu
khoảng 70 triệu đồng, lãi ròng 40 triệu đồng/ha/6 năm. Mỗi năm, trồng keo giỏi
lắm lãi được 7 triệu đồng/ha. So với trồng rễ hương thì thua xa!”.
Hiệu quả kinh tế vượt trội nhưng hàng năm,
diện tích cây rễ hương tại Thanh Nho vẫn chỉ tăng khiêm tốn và mới chạm mức 70
ha.
Lý giải điều này, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch
UBND xã Thanh Nho cho biết: “Tiềm năng tăng diện tích, năng suất, sản lượng và
hiệu quả kinh tế, đầu ra của cây rễ hương trên đất Thanh Nho vẫn còn rất lớn và
chúng tôi cũng đang khuyến khích mở rộng.
Tuy nhiên, đặc tính của cây rễ hương là có thể
làm vón đất nên sau vụ mùa thứ 3 liên tiếp, nông dân phải chuyển đổi sang các
loại cây trồng khác như sắn, keo… để cải tạo đất. Từ thực tế đó, diện tích rễ
hương hàng năm biến động theo hướng tăng diện tích nhưng không đáng kể”.
0 comments:
Đăng nhận xét