Rễ hương là tên gọi khác của cây Hương bài,
Huệ rừng, có tên khoa học Dianella ensifolia DC. Hương bài là một loại cây lâm
sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế mọc tự nhiên trong rừng, sản phẩm chính là bộ rễ,
rễ hương bài là nguyên liệu làm hương (nhang) thắp vào dịp lễ, tết, có mùi thơm
đặc trưng. Ở nước ta, hương bài phân bố khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.
Hương bài là loại cây thân thảo, có chiều
cao từ 40-50 cm, lá mọc so le, có bẹ lá ôm lấy thân, hai bên thân hình nan
quạt trông giống như chiếc quạt, lá có hình mũi mác, màu xanh lá mạ; qủa mọng
khi chín có màu tím sẫm hày màu xanh đen (cây hương bài có đặc điểm hình thái gần
giống với cây rẻ quạt – xạ can – dùng làm dược liệu).Cây hương bài là cây ưa
sáng, nhưng cũng có khả năng chịu bóng, nên vừa trồng được ngoài nắng và cả
trong bóng râm nơi có tàn che thưa. Cây thích hợp với nhiều loại đất; không ưa
đất úng nước, đất bí chặt.
Về phương pháp nhân giống, hiện nay có 3
phương pháp chủ yếu sau: Tạo giống bằng hạt, phương pháp này ít làm vì tốn công
và nhiều thời gian. Tạo giống bằng phương pháp giâm hom. Sau khi thu hoạch rễ
ta lấy đoạn thân cách gốc 10cm trở lên, cắt đoạn hom phải đảm bảo có từ 2-3 mắt,
khi cắt hom không dập nát, mỗi nhánh cây chỉ lấy từ 3-4 hom, nhúng gốc hom vào
thuốc kích thích ra rễ rồi đem giâm ở vườn ươm, khi hom ra rễ thì đem trồng. Tạo
giống gốc (tách gốc): Nhổ cả bụi cây, cắt bớt rễ (chừa lại đoạn rễ khoảng
2-3cm), cắt bớt lá để lại đoạn thân và lá dài khoảng 30 cm, tách từng khóm có
2-3 nhánh, rồi đem trồng. Trường hợp giống vận chuyển xa nếu chưa trồng kịp thì
phải để nơi râm mát hoặc vùi tạm trong cát ẩm. Phương pháp này đơn giản, dễ
làm, phù hợp với trình độ của người dân nhưng hệ số nhân giống không cao bằng
phương pháp giâm hom.
Về phương thức trồng, có 2 phương thức trồng
là: Trồng thuần loài hoặc trồng xen dưới tán cây rừng, cây ăn quả chưa khép tán
để tận dụng đất và chống xói mòn rất tốt (trồng cây hương bài theo đường đồng mức).
Trồng thuần với khoảng cách hàng cách hàng khoảng 50 cm, cây cách cây khoảng 40
cm, mật độ 50.000 cây/ha, mật độ trồng xen dưới tán rừng khoảng 3.000 cây/ha.
Nhìn chung cây hương bài dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh gây hại (chỉ có mối
hại rễ giai đoạn mới trồng).
Cách thu hoạch, bảo quản rễ hương bài cũng
đơn giản: Nếu trồng vào tháng 6-7 thì cuối năm sau thu hoạch. Trường hợp chưa
có thị trường thì có thể để năm sau thu hoạch cũng được. Cách thu hoạch: dùng
cuốc hoặc thuổng thọc quanh gốc cây rồi nhổ toàn bộ rễ, đập sạch đất, rửa sạch
rồi dùng dao sắc cắt sát gốc chừa lại một đoạn thân khoảng 4cm, phơi khô cho
vào bao tải để nơi thoáng mát, khô ráo.Trồng cây sau 12-18 tháng là thu hoạch rễ.
Một ha có thể thu 3,5-4,5 tấn rễ khô, với giá khoảng 25.000đ/kg.
Hiện nay, trước nhu cầu sử dụng nhang sạch,
có mùi thơm tự nhiên, không hóa chất, đảm bảo sức khỏe, việc sử dụng nguyên liệu
làm nhang có nguồn gốc tự nhiên là đáp ứng thị hiếu tâm linh của người tiêu
dùng. Trong khi đó các nguyên liệu sử dụng làm nhang từ cây thân gỗ như: Dó trầm,
bời lời, quế… có thời gian trên bốn năm mới có sản phẩm thu hoạch còn hương bài
chỉ trồng khoảng 12-18 tháng là có sản phẩm thu hoạch, ngoài ra còn có thể tận
dụng đất trống dưới tán cây ăn trái, dưới tán cây rừng để trồng xen, góp phần
tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Hiện nay đã có một số tỉnh (Bắc Giang,
Nghệ An, Thừa Thiên Huế…) người dân đã trồng hương bài trên diện rộng nhằm đáp ứng
nhu cầu thị trường. Ở Lâm Đồng, một số người dân chủ yếu vẫn là khai thác từ rừng,
khai thác tự phát không chú ý tái sinh, trồng lại dẫn tới nguồn nguyên liệu cạn
kiệt dần và không bền vững.
0 comments:
Đăng nhận xét